Xuất khẩu nông sản dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức vì dịch virus corona
26/03/2020Chiều nay 3-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh do virus corona chủng mới (nCoV). Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành: Y tế, Công Thương, Tổng cục Hải quan, Văn phòng Chính phủ, Ngoại giao, Khoa học - Công nghệ; cùng lãnh đạo các tỉnh: Tiền Giang, Bình Thuận, Long An, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu và hiệp hội các ngành hàng.
Hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh do virus Corona
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đứng trước dự báo tình hình thiệt hại lớn về kinh tế, với riêng hàng nông sản, Trung Quốc là thị trường lớn, do đó, nông nghiệp sẽ chịu tổn thương nhất, ví dụ như nhiều mặt hàng thanh long, dưa hấu... Vì vậy, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị, xin ý kiến của các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội để xác định đúng, chính xác tác động trực tiếp của dịch bệnh này, trước hết là thị trường Trung Quốc với nông sản Việt Nam, từ đó đề ra giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để doanh nghiệp, nông dân vượt qua.
Đồng thời, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, biến thách thức thành thời cơ, bàn giải pháp xây chợ mới, từ đó tái cơ cấu ngành nông nghiệp xa hơn, dài hơn với một tinh thần khẩn trương nhưng không hoang mang.
"Không có virus corona thì sẽ có dịch bệnh khác bởi trong điều kiện biến đổi khí hậu, điều gì cũng sẽ xảy ra. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để ứng phó chủ động" - ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Báo cáo về tình hình thương mại nông sản trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết ngay từ đầu năm 2020, các tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, mưa đá, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt, kể từ đầu tháng 1-2020 đến nay, diễn biến bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (sau đây gọi tắt dịch NCoV) diễn biến phức tạp và đang lây lan nhanh tại Trung Quốc gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân Trung Quốc, tác động đến nhiều nước trên thế giới và tình hình thương mại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam báo cáo - Ảnh: Văn Duẩn
Về tác động ảnh hưởng, Bộ NN-PTNT cho biết năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,47 tỉ USD giảm 2,6% so cùng kỳ năm 2018.
Nhận định tác động của dịch nCoV đến thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch trong những ngày gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người tạo điều kiện cho dịch bệnh có cơ sở lây lan trên diện rộng, dự báo dịch nCoV sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước, cụ thể như sau:
Xuất khẩu nông sản dự báo sẽ gặp nhiều thách thức. Theo đó, sẽ đối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán và lễ sau Tết. Qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An, lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8-2 đến 28-2, thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn...
Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến. Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch nCoV được triển khai từ cả hai phía (đến tối ngày 2-2, có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe tại Lạng Sơn).
Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10-2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch corona.
Bên cạnh đó, giao thông hạn chế sẽ cản trở hoạt động giao dịch, trao đổi, làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên trong lĩnh vực thương mại nông sản.
Việc tạm dừng đường bay, khó khăn trong giao thông giữa hai nước sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động giao dịch, làm việc trao đổi của doanh nghiệp hai nước, đặc biệt đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ; Ảnh hưởng đến công tác thu xếp, bố trí của Bộ NN-PTNT đối với 3 đoàn công tác quan trọng của chuyên gia Tổng cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam (dự kiến trong tháng 3-2020) khảo sát thực tế, làm việc trao đổi với phía Việt Nam để hoàn tất báo cáo mở cửa thị trường đối với sản phẩm tổ yến, xuất khẩu bột cá, tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị phía Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu.
Trên cơ sở nhận định dịch nCoV có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Bộ NN-PTNT chủ động sẽ có những giải pháp triển khai trong ngắn hạn và dài hạn.
Cụ thể, phương án trước mắt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý đến ngày 9-2, nếu dịch nCoV chưa được kiểm soát hiệu quả, lây lan trên diện rộng thì không loại trừ Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, dẫn tới tình hình xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam có nguy cơ chịu tác động ảnh hưởng rất cao.
Các đơn vị của Bộ triển phải thực hiện nghiêm túc công văn của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Các chỉ thị; công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch viêm phổi cấp. Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y phối hợp các lực lượng chức năng tại biên giới tăng cường công tác kiểm dịch động thực vật, phòng chống H5N1, cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản và các cục chuyên ngành thường xuyên trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thu xếp các chuyến công tác của chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam trong Quý I, Quý II-2020 để tháo gỡ khó khăn; Tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc triển khai các Đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc tại thời điểm phù hợp nhất ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch viêm phổi cấp và công bố mở cửa lại bình thường. Tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại trong nước kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân.